Người chủ quán đi đôi dép mòn gót, cái quần bợt hai bên gối sắp rách. Khi anh ta mang hai ly cà phê cho chúng tôi, tôi hoang mang khều cô bạn đi cùng: “Em chắc chứ, anh ta tên Hưng, đây là xã X., huyện Y…” Cô bạn gật đầu chắc nịch.
Tôi nhìn kỹ chủ quán lần nữa, đúng là anh ta, bởi những nét năm xưa còn phảng phất trong mặt mũi, vóc dáng; dù thời gian có làm những nét ấy tàn tạ quá nhiều.
Không dưng, tôi muốn cười một trận, cười mình năm xưa ngu dại khùng điên mới đem lòng yêu thương người đàn ông này. Cả tuổi thanh xuân của tôi tơi tả vì người không đáng.
Lúc chủ quán mang ra bình trà, tôi nhỏ nhẹ: “Có phải anh tên Hưng, năm xưa từng vào Nam làm thợ xây?”. Giọng Nam Bộ của tôi làm người đàn ông giật mình, ngó tôi trân trối, rồi cúi đầu: “Phải, tôi có vào Nam mấy năm”.
“Anh không nhận ra em sao, em là Nhung, nhà ở xóm Kênh Ngang”, tôi vẫn nhỏ nhẹ. Người đàn ông giật thót lần nữa, ánh mắt ngó tôi có vẻ hoảng hốt.
Cả thanh xuân của tôi tả tơi vì người đàn ông ấy – Ảnh minh họa
Anh ta lắp bắp: “Lạ quá. Tôi nhận không ra”. Sau cuộc hàn huyên đầy gượng gạo và nhạt nhẽo, tôi biết được Hưng có hai con gái. Đứa lớn đã mất vì bệnh hiểm nghèo, đứa út đang học năm thứ hai ở TP.HCM.
Tôi nhìn quanh, căn nhà Hưng vừa ở vừa làm quán cà phê cóc được che tạm bằng ni lon. Tháng trước vùng này có bão, chắc gió thổi bay mái tôn tới giờ chưa lợp lại. Một người phụ nữ đang loay hoay dọn dẹp phía sau. Nét mặt chị ta khắc khổ như đa phần thường thấy ở những người ít thong dong…
Tôi lắng nghe xem mình có hả hê, thỏa mãn khi bao nỗi thống khổ suốt thời thanh xuân của tôi đã được ông trời đòi nợ giùm? Nhưng không, tôi chỉ thấy mủi lòng khi biết người cũ thảm hại thế này.
Năm xưa, tôi mới học lớp 11 thì quen Hưng. Hưng làm ở công trình xây cầu cạnh nhà tôi. Đúng ra là Hưng quen ba tôi trước. Thấy ba tôi đốn tre bên vệ đường, Hưng đi qua liền phụ một tay. Cách Hưng làm việc gọn ghẽ, chu đáo khiến ba khen không tiếc lời.
Từ bữa đó Hưng thành người quen. Nhà cắt lúa, tát đìa… Hưng tới phụ giúp. Chiều muộn, ba nướng trui cá lóc, gọi Hưng tới nhậu lai rai.
Ba khen Hưng hiểu chuyện, có chí lớn, nhưng nghe tôi yêu Hưng ba phản đối. Ba nói không biết gia cảnh Hưng ngoài miền Trung ra sao. Con gái gả chồng xa, có khổ cha mẹ cũng không giúp được…
Tuổi 17, tôi không sợ trời sợ đất, sợ gì xa xôi khổ cực. Nghe tôi dính bầu, Hưng run lập cập: “Chắc chú Bảy (tên ba tôi) giết anh chết”. Hai hôm sau, Hưng biến khỏi chỗ làm.
Má dắt tôi âm thầm trốn lên Sài Gòn chờ sinh nở. Ba nói con gái ba không có thứ chửa hoang. Ba xem như tôi “sút nôi” từ hồi nhỏ…
Nằm trên bàn sinh oằn oại trong cơn đau, tôi réo tên Hưng với nỗi oán hờn. Con nóng sốt khóc ngằn ngặt cả đêm, tôi rã rượi ôm con đi tới đi lui, nghĩ mình đang kiệt quệ, còn tên khốn kia đang thong dong nơi nào? Những ngày ở xưởng may, tôi muốn gục vì thiếu ngủ, vì đói…
18 tuổi, đời tôi rơi vào ngõ cụt rất tối, vì kẻ tồi tệ ấy.
Tôi có năng khiếu trong nghề may. Có lần tôi chỉ ra chi tiết có thể làm khác đi để sản phẩm làm ra nhanh hơn, chị tổ trưởng hết lời khen ngợi. Tôi được công ty thưởng một số tiền nhỏ nên có động lực để tìm tòi thêm cách cải tiến sản phẩm.
Công ty cử tôi đi học lớp nâng cao nghiệp vụ, rồi cất nhắc tôi lên chuyền trưởng, rồi quản đốc phân xưởng. Tôi đã mua được nhà, con trai tôi đã tốt nghiệp và đi làm.
Đi qua những năm tháng gập ghềnh, tôi luôn nghĩ tới ngày sẽ gặp Hưng, tôi sẽ sỉ vả anh ta không tiếc lời, sẽ nguyền rủa cho anh ta sống không yên… Nhưng đôi khi nhìn thành quả đạt được, tôi lại cám ơn Hưng. Nếu tôi không gặp cú sốc ấy, có lẽ giờ này tôi đã yên phận ở quê, lấy một anh nông dân và sớm hôm lo cày cấy…
Nhân chuyến ra miền Trung khánh thành chi nhánh mới, tôi đã cố tình đi tìm Hưng. Không ngờ Hưng sống thế này.
Tiễn tôi ra xe, Hưng cố vớt vát: “Năm xưa cô… sinh con gái hay trai?”. Tôi muốn gạt đi không trả lời, nhưng nhìn khuôn mặt dúm dó dãi dầu của Hưng, tôi không nỡ. “Con trai. Đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm rồi”, tôi nói. Hưng lắp bắp: “Vậy hả”.
Cô bạn khều tôi: “Chị, coi chừng ổng vào Sài Gòn đòi con”. Tôi giật mình, nhưng rồi trấn tĩnh ngay. Không sao, con của Hưng thì Hưng có quyền nhận, chỉ sợ Hưng không dám vào.
Xe đưa chúng tôi ra sân bay, hàng cây hai bên đường lao vùn vụt về phía sau như thể quá khứ đang lùi lại rồi mất hút.
Tôi thấy lòng nhẹ nhõm như vừa buông một gánh nặng. Người ta hay nói sống là phải biết tha thứ cho người khác, nhưng quan trọng nhất là phải tha thứ cho bản thân. Từ hôm nay trong tôi sẽ không còn thù hận, tôi còn phải cảm ơn Hưng mang đến quả đắng, để thành tôi hôm nay.
NLĐO – Chuyên trang Phụ nữ – RSS Feed