Sau bữa cơm tối, hai đứa con lên lầu học bài, chị dọn dẹp ở dưới bếp, anh ngồi một mình xem ti vi ở phòng khách. Đợi mãi, không thấy vợ lên, anh vào phòng xem thì hóa ra chị ngủ từ lúc nào. Anh có chút chạnh lòng, gần ba tháng mới về nhà mà như người thừa.
Lúc dọn cơm, con gái còn lấy thiếu một cái chén với đôi đũa vì đinh ninh nhà chỉ có ba người. Về nhà, anh thấy mình “lạc nhịp” với gia đình, ba mẹ con dường như quên mất sự hiện diện của anh.
Tính ra anh đi làm xa đã gần 10 năm, suốt thời gian đó biết bao nhiêu lần chị hối thúc anh chuyển công tác về gần nhà. Anh do dự không quyết, dù cơ hội không ít. Cơ quan anh có trụ sở ngay ở thành phố, chi nhánh anh đang làm việc ở vùng núi, cách nhà gần 200km. Nếu anh có đơn xin điều động, chắc chắn ban giám đốc sẽ đồng ý. Đằng này, anh muốn ở lại vì đã quen việc, quên mất mình còn có một gia đình nhỏ.
Anh nhớ, khi con còn nhỏ, không ít lần chị gọi điện cho anh lúc nửa đêm, khóc sụt sùi vì quá mệt khi chăm con ốm mà không ai đỡ đần.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK
Anh chỉ biết động viên vợ vài câu rồi mặc chị xoay xở. Cứ một tháng một lần, anh về nhà khoảng bốn ngày rồi lại lên cơ quan. Nhưng thời gian ở nhà đó, anh còn gặp gỡ bạn bè, đối tác, đi thăm nhà này nhà nọ. Anh thừa nhận, xa gia đình cũng có lúc buồn nhưng quen rồi lại thấy tự do. Anh chẳng lâm vào cảnh đang đi nhậu mà vợ gọi về, con cái ốm đau mà phải xin nghỉ việc. Anh cũng biết, vợ ở nhà một mình vừa chăm con vừa đi làm rất vất vả, nhưng cứ nghĩ mọi chuyện cũng qua. Để bù đắp, hằng tháng anh chuyển lương cho vợ đầy đủ, thỉnh thoảng có khoản tiền làm thêm anh mua quà cho mấy mẹ con. Nhưng thứ chị cần là có chồng ở bên, anh lại không đáp ứng.
Có lần, hai vợ chồng cãi nhau vì chuyện chuyển công tác, anh bảo: “Anh làm xa nhưng có thêm phụ cấp, chứ về gần lại mất đi một khoản”. Chị đã khóc nức nở nói: “Em không cần thêm vài triệu bạc mỗi tháng, em chỉ muốn anh ở nhà để các con có một gia đình đầy đủ”. Mỗi lần chị than thở, có chồng cũng như không, anh lại so sánh: “Như thế có là gì, những cô vợ bộ đội, chồng đi quanh năm suốt tháng vẫn lo được cho gia đình đấy thôi”. Lúc đầu, chị còn đáp trả: “Hoàn cảnh bắt buộc phải chịu, đằng này có thể thu xếp sao anh không về gần” nhưng về sau, chị không nói nữa.
Cách đây vài năm, vợ không còn đề cập đến chuyện chuyển công tác, anh cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng rồi, chính anh thấy hụt hẫng trong lòng khi ba mẹ con dường như đã quen dần với cuộc sống vắng anh. Chị không còn cảm giác trông đợi chồng như trước khi tự gồng gánh tất cả. Các con xa bố lâu cũng không mặn mà gì, những cuộc gọi điện video cứ thưa dần. Ngày trước, mỗi lần vợ gọi cho con gặp bố mà anh bận nhậu thì chỉ nói qua loa rồi cúp máy. Giờ đây, khi anh gọi điện, vợ con ai nấy đều bận, thậm chí có lần, anh đang nói chuyện, con trai bảo: “Xong chưa bố, để con tắt máy học bài ạ” khiến anh khựng lại.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK
Đợt trước, anh phải ở lại chi nhánh hơn ba tháng do trong vùng có dịch, không về nhà được. Cứ nghĩ, lần này về gặp vợ con chắc sẽ vui lắm, xa nhà lâu anh thèm không khí gia đình. Nhưng rồi, anh nhận ra sự hiện diện của mình không tác động nhiều đến mấy mẹ con. Buổi sáng khi anh đang ngủ, ba mẹ con đã dậy sớm ra khỏi nhà. Chiều về, hai con tự tắm rửa, dọn nhà trong khi mẹ nấu cơm rồi cả nhà cùng ăn tối. Các con có việc gì cũng hỏi mẹ chứ chẳng đả động gì đến bố.
Cách đây ít lâu, khi chị gửi cho anh bài văn của con gái tả về gia đình, lòng anh đã gợn chút suy nghĩ. Bởi vì trong đó con nhắc đến bố chỉ một câu: “Bố em công tác xa nên ít về nhà, mẹ là người chăm sóc cho hai chị em”. Đến giờ anh mới thấm thía câu nói của vợ: “Cơ hội kiếm tiền có nhiều nhưng tuổi thơ của con chỉ có một và trôi qua rất nhanh”. Anh nhận ra sự đứt gãy trong mối liên kết với gia đình khi mình xa nhà quá lâu.
Hôm sau, anh bàn với chị về chuyện xin về làm ở trụ sở cơ quan gần nhà, chị ngạc nhiên khi lần đầu chồng chủ động đề cập đến vấn đề này. Chị không nói nhiều, chỉ bảo: “Tùy anh cân nhắc suy nghĩ thế nào cho hợp lý”. Tuy chị nói hững hờ nhưng anh vẫn nhìn thấy hạnh phúc lấp lánh trong đôi mắt của vợ khi cầm trên tay lá đơn xin chuyển công tác của chồng. Anh hiểu, đã đến lúc mình cần sống với gia đình, dù muộn còn hơn không…
NLĐO – Chuyên trang Phụ nữ – RSS Feed