Dư luận phẫn nộ khi thấy hình ảnh cây roi “dì ghẻ” dùng để đánh bé V.A
Đứa trẻ lớn lên phải trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển để hình thành nên tính cách, thái độ và trách nhiệm đối với bản thân, xã hội. Câu “thương cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi” có ngụ ý thâm sâu trong việc nuôi dạy trẻ. Nghĩa là thương là phải khắt khe, phải rèn luyện, phải dùng đòn roi thật đau để nhớ đời mới nên người… còn ghét thì cứ xuề xòa, ngọt ngào cho qua chuyện.
Kinh nghiệm của biết bao thế hệ cha ông để lại không phải là không có cơ sở. Ngày nay, giáo dục bằng roi vọt vẫn là một biện pháp phổ biến trong mỗi gia đình và được cho là có hiệu quả nhanh, đứa trẻ vì đau mà nhớ lâu mà nghe lời. Thế nhưng, di chứng để lại tổn thương trong lòng nhiều người mãi mãi không thể lành. Vậy đòn roi có thật sự là không thể thiếu trong việc nuôi dạy trẻ?
Giáo dục con bằng đòn roi là vi phạm pháp luật
Dùng roi vọt trong trường hợp nào mang tính giáo dục, trong trường hợp nào mang tính trừng phạt, không phải các bậc sinh thành nào cũng tách bạch được.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hiệp, Văn phòng Luật sư Vietjuris cho biết tại điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã có quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con: “Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi dục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.
“Dù đánh con bằng công cụ gì, đánh ít hay đánh nhiều đều vi phạm pháp luật”, luật sư Nguyễn Văn Hiệp cho biết
Bên cạnh đó, tại điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nêu rõ các hành vi bị cấm gồm: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng… đến các thành viên trong gia đình.
Luật sư Hiệp cho rằng, với các quy định như trên, mọi hành vi đánh đập, hành hạ… con cái là hành vi bị pháp luật, nghiêm cấm thực hiện. Người thực hiện các hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ tính chất và hậu quả mà hành vi của người đó gây ra, thậm chí là tử hình nếu có tình tiết tăng nặng dẫn đến tử vong.
Mọi đứa trẻ, dù ngoan hiền hay ngỗ nghịch cũng đều có khát khao thể hiện mình là người có giá trị. Vì đam mê theo giá trị riêng mà xao nhãng việc học tập, thích tiếp thu những thứ mới mẻ, thậm chí lệch lạc, đua đòi… khiến phụ huynh đau buồn. Và trong nhiều trường hợp như vậy, sử dụng đòn roi có vẻ giúp chấm dứt hành động, suy nghĩ sai lệch của trẻ ngay tức khắc, nhưng về lâu dài đứa trẻ trở nên lì lợm, lãnh cảm… Vì vậy, trong giáo dục trẻ, phụ huynh cần phải biết kiềm chế, không dùng biện pháp đánh đòn, không dạy con trong lúc nóng giận, mất kiểm soát.
Vô số sản phẩn roi mây được rao bán công khai trên các sàn thương mại điện tử và được gỡ bỏ sau vụ việc bé gái 8 tuổi bị “dì ghẻ” đánh tử vong
Có thể thay thế đòn roi?
Thay vì chọn roi vọt có “hiệu quả nhanh gọn”, chúng ta có thể chọn giải pháp nào ôn hòa, mềm dẻo mà hiệu quả lâu dài. Đứa trẻ như tờ giấy trắng, tuy sở thích, sự thông minh, hiếu động và mức độ tiếp thu có khác nhau nhưng hầu hết đều rất muốn thể hiện mình. Để hiểu trẻ, chúng ta cần giao tiếp, trò chuyện, giải thích… với trẻ nhiều hơn, cần sự động viên, khích lệ… nhiều hơn sai khiến, áp đặt.
Khác với thế hệ trước, gia đình rất đông con, ngày nay gia đình có điều kiện gần gũi, chăm sóc con trẻ tốt hơn, nhiều tài liệu chỉ dẫn các phương pháp dạy con văn minh, văn hoá và hiệu quả. Vì thế đòn roi không thực sự cần thiết.
Cần phải đồng lòng và dứt khoát loại bỏ việc tấn công vào thân thể người khác ra khỏi đời sống xã hội hiện đại. Nếu không, nạn đánh đòn con trẻ tồn tại dai dẳng bên trong cánh cửa các gia đình.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hiệp, để loại bỏ việc này, phải lên án mạnh mẽ, nêu rõ trách nhiệm pháp lý, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi cổ xúy cho biện pháp giáo dục vi phạm pháp luật và kém văn minh này.
NLĐO – Chuyên trang Phụ nữ – RSS Feed