Bà Hồng gần 60 tuổi, là cựu giáo viên. Ông bà chỉ có một anh con trai làm nghề y. Ba năm trước, chồng bà Hồng bị bệnh rồi mất. Sau đám tang ông, con trai và mọi người khuyên bà về sống cùng nhà với con trai và con dâu để có người hủ hỉ, chăm sóc lúc ốm đau.
Con trai bà nói: “Nếu mẹ không muốn chuyển đến sống cùng, thì vợ chồng con chuyển về ở với mẹ, cả nhà quây quần bên nhau”.
Sự thuận thảo của con trai bà Hồng nhận được sự tán đồng của mọi người. Ai cũng vun vào, nhưng bà Hồng quyết ý ở một mình, không làm phiền con cháu. Bà cũng không ngại đến lúc già yếu, nên đăng ký một chỗ trong viện dưỡng lão.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK
Từ đó, người trong xóm thấy sáng bà Hồng đi bộ ra quán bún đầu hẻm ăn sáng, nói chuyện cùng mấy bà bạn già, rồi đi chợ, mua thức ăn, về nấu. Buổi chiều, khi thì bà tham gia nhóm dưỡng sinh, khi vào lớp yoga để giãn gân cốt. Thi thoảng, bà lại tham gia các chuyến du lịch cùng hội người cao tuổi, tham gia chuyến từ thiện với các sư cô ở ngôi chùa gần đó. Lúc nào bà cũng yêu đời, phơi phới.
Cùng quan điểm với bà Hồng là bà Hương. Nhà bà Hương có bốn con trai và một con gái, tất cả đều có gia đình và ra ở riêng.
Lúc đầu, khi vợ chồng bà Hương vừa về hưu, con trai thứ tư vừa cưới vợ, chưa đủ tiền mua nhà, phải ở nhà trọ, ông Dũng, chồng bà Hương, đã đánh tiếng với vợ về việc cho con trai và con dâu sống chung, vừa giúp con tiết kiệm tiền để dành mua nhà, vừa có con cháu trong nhà, khi con dâu sinh con, ông bà có thể phụ trông cháu.
Nghe ba nói vậy, con trai lập tức đồng ý nhưng bà Hương gạt đi với lý do để bọn trẻ có không gian riêng, không bị hai người già làm phiền.
Lời trước mặt con là vậy, còn sau lưng, bà bảo khi con còn nhỏ, không biết bao nhiêu lần bà đang ăn cũng bỏ chén xuống đi rửa dọn cho con, giờ bà không muốn lặp lại việc đó với cháu nội. Gần 30 năm tất bật lo cho gia đình, giờ bà muốn thảnh thơi.
Ông Dũng không vui, ông chờ xem bà đối xử như thế nào với cháu nội. Đến khi con trai đưa con dâu bụng bầu vượt mặt về chơi, ông Dũng bất ngờ: Khi con dâu vừa bước vào nhà, thì người giúp việc cũng vào theo.
Người giúp việc vợ ông trả tiền là người chăm bà bầu, bà đẻ nổi tiếng trong khu vực. Để có được người này, bà Hương phải trả lương gấp đôi mức thông thường. Có người giúp việc, cháu nội được chăm sóc tốt, bà Hương dư thời gian cho bản thân mà không ai có thể nói ra nói vào.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK
Đến một ngày, bà Hương có khách quý đến thăm – là bà Nhân, người bạn từ thời thơ ấu. Sau vài câu mở đầu, bà Nhân thở hắt ra. Bà hối hận đã dọn về ở cùng con dâu. Con trai và con dâu cả ngày đi làm, nên việc nhà, cơm nước, chăm cháu một tay bà lo.
Hôm nào bà mệt trong người, cũng phải cố dậy cắm cơm, nấu đồ ăn, tắm cho cháu. Cháu bà hiếu động, riêng việc cho ăn và đi tắm cũng đủ mệt. Con dâu bà không hợp với mẹ, suốt ngày nói ra nói vào… Kể chưa hết chuyện, bà Nhân lại quày quả ra về vì đến giờ nấu bữa tối. Nhìn cái dáng tất tả của bà Nhân, bà Hương chỉ biết thở dài.
Tuy xác định không ở cùng con, nhưng bà Hương không ngại nhận trông cháu giúp nếu ba mẹ bọn nhỏ phải đi công tác hay có việc riêng.
Thỉnh thoảng cuối tuần anh con trai lại đánh xe, chở ông bà và đám cháu đi dã ngoại. Tiếng cười, tiếng nói và mối liên kết giữa các gia đình nhỏ không những không rời rạc mà còn bền chắc hơn so với những gia đình yêu cầu con cháu ở cùng. Đến bây giờ, ông Dũng đã công nhận “kế sách” tuyệt vời của bà vợ.
NLĐO – Chuyên trang Phụ nữ – RSS Feed