Rau khúc.
Đêm dừng chân ở Hà Nội.
Gió đông vừa ngưng thổi thì mưa xuân ào đến. Vài giọt mưa luồn qua ô cửa mở hé mang theo cái nồng nàn, rạo rực của hơi xuân. Đang mơ màng trong giấc mộng chợt giật mình bởi tiếng rao: “Xôi lạc, bánh khúc… Ai bánh khúc nóng đê !!!”. Câu đầu trầm trầm như lời kể, câu sau lại thánh thót ngân dài trong đêm vắng nửa như gọi mời, nửa như nhắc nhớ. Rồi thao thức, trằn trọc không sao ngủ lại được. Nhớ tuổi thơ… Nhớ cồn cào cái hương vị bánh khúc quê nhà…
Mùa xuân là mùa của rau khúc.
Ngày ấy, khoảng giêng hai, khi những dẻ mạ còi cọc cuối cùng vì gió bấc lạnh lẽo đã xuống đồng nhường cánh ruộng mạ trống trơ cho rau cỏ dại thì rau khúc hẹn hò nhau cùng đâm mầm xanh lá. Rau khúc trèo lên sườn luống khoai chiêm, lan ra cả cánh bãi lấn chỗ đám cải xanh, cà tím. Mấy anh em mang rổ đi hái rau khúc về để bà nội làm bánh. Sáng sớm rau khúc còn đọng sương, hái ngọn rau như hái được cả một chùm sương bạc lành lạnh còn thơm mùi đồng đất quê hương. Cây khúc thấp, cành mọc xòe, lá so le, hình bầu dục hơi dài, thân có chút lông tơ mịn màng, lá xanh phủ màu bạc khoe sắc dưới nắng xuân. Vì có màu khác lạ nên mấy anh em tôi chả bao giờ hái nhầm khúc với các rau cỏ khác. Bà nội dặn nhớ hái ngọn non để bánh dẻo mềm. Lũ trẻ con chúng tôi vừa hái rau vừa đuổi bắt lũ cào cào, châu chấu, rồi quay ra trêu chọc nhau, tiếng nói cười vang rộn cả cánh ruộng trống, vui không gì sánh nổi…
Buổi chiều, mấy anh em tới lớp nhưng lòng háo hức vì món bánh đang đợi ở nhà. Tan trường, mới qua khúc quanh của con ngõ nhỏ, bụng đã réo lên khi mùi ngọt ngào của nếp quyện vị béo thơm của mỡ hành tiêu bay bay trong gió. Quăng vội sách vở, sà vào gian bếp đỏ lửa, ríu rít hỏi bà đủ chuyện về bánh khúc. Bà rủ rỉ giảng giải cách làm bánh, tai nghe mà mắt cứ dán vào chõ xôi, rồi hít hà mùi hấp dẫn gọi mời của nếp của bánh quyện trong mùi khói nồng ấm của bếp rơm.
Chờ mong mãi rồi bánh cũng chín. Từ bàn tay khéo léo của bà, từng cái bánh thơm lừng được lấy ra khỏi chõ. Cứ một lớp bánh lại một lớp xôi nếp trắng dẻo. Cái bánh tròn tròn được bao quanh bởi những hạt nếp trắng no mọng căng bóng bên trong là bột nếp nhào quyện cùng bột lá khúc màu xanh đậm ôm lấy nhân đậu vàng nhạt mới hấp dẫn làm sao. Cái cảm giác cắn miếng bánh nóng hổi, beo béo, thơm lừng giữa chiều xuân lạnh vương mưa phùn bên ánh đèn dầu leo lét khiến ta nhớ mãi. Mấy anh em xúm quanh mâm bánh khúc, suýt xoa ngon lành, tấm tắc khen mãi món quà quê. Ánh mắt hiền hậu của bà nội âu yếm nhìn đám cháu cùng với nụ cười mỉm ra chiều mãn nguyện…
Mấy chục năm trôi vèo trong nhung nhớ nhưng nhiều khi mùi thơm vị bánh khúc của chiều xuân ấy cứ hiện lên trong những đêm xa xứ, len cả vào trong giấc mơ khiến con tim lại rung lên, mắt rưng rưng lệ mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê… Kí ức tuổi thơ ùa về, khắc khoải trong tâm, xao động mãi không nguôi. Nhớ cái lưng còng và ánh mắt bao dung của bà nội vất vả cả đời vì cháu vì con. Nhớ mái nhà xưa êm đềm trong con ngõ nhỏ. Nhớ cả miếng bánh khúc thơm lừng mà hôi hổi nóng hương quê của chiều xuân năm nào. Tự nhủ sớm mai sẽ tìm mua bánh khúc…
Vậy mà ý định tưởng chừng quá nhỏ nhoi đến đơn sơ ấy lại không thành. Mới sáng sớm, Hà Nội đã quá ồn ào và đông đúc, tìm đâu ra tiếng rao đêm trầm bổng gây luyến nhớ món quà quê. Cuộc sống cuốn đi, vội vã đến tất bật. Xe chạy, con đường về quê trở lên xa ngái…
Nắng gió mùa khô phương Nam oi nồng, hừng hực khiến nỗi nhớ mùa xuân phương Bắc ấm áp cứ cồn cào khi chiều xuống, đêm về. Nhớ rét, nhớ mưa lùn gió bấc, nhớ sương mù bảng lảng sớm mai.Ước một lần được cùng các anh về đám ruộng mạ trước nhà đầu trần chân đất đuổi bắt lũ cào cào châu chấu, hái rau dền rau rệu để nội nấu canh rạm đầu mùa. Ước gì sáng mai lại được cùng mấy anh em vác rổ đi hái mớ rau khúc còn ngậm hơi sương để chiều về bà làm bánh khúc. Biết đến bao giờ mới được hưởng trọn vẹn mùa xuân quê hương bên người thân và bè bạn rồi cùng nhau tập làm bánh khúc – món quà đậm vị quê hương…
NLĐO – Chuyên trang Phụ nữ – RSS Feed